Trong ký ức của mỗi chúng tôi - những người thầy cô giáo từng giảng dạy, công tác tại Tam Lãnh, nơi đây từng ghi dấu nhiều kỹ niệm về một thời son trẻ, tươi đẹp của cuộc đời. Khi tất cả đã trở thành kỹ niệm thì những buồn vui, khó nhọc, những nghịch ngợm, ngây ngô ngày xưa giờ cũng thi vị như những bông hoa đẹp, những áng mây hồng trang điểm cho tâm hồn của mỗi chúng tôi. Chúng tôi tạo trang blog này muốn thành một nơi để chúng tôi cùng đến, kể lại nhau nghe những câu chuyện, những cảm xúc về một thời thân thương, yêu dấu nhất. Hãy đến với nhau! Vui thì hãy cùng vui, buồn thì hãy cùng chia sẻ để giải bớt oi bức đời thường.
Xin hãy đến với nhau!

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Đọc và suy ngẫm: Vấn đề giáo dục

Giao bài tập về nhà cho HS tiểu học: Đừng cướp đi tuổi thơ của trẻ

(GDVN) - Trẻ bị áp lực học tập quá nhiều sẽ dễ gây ra chứng rối nhiễu tâm lí, căng thẳng, buồn chán, mất kiểm soát hành vi và nguy hiểm hơn là tìm đến cái chết - Chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà Công ty Ứng dụng tâm lí Hoa Mặt Trời chia sẻ.

Trẻ học giỏi cũng có rất nhiều vấn đề tâm lý
Muốn trẻ phát triển toàn diện cần phải chú trọng đến việc cân bằng giữa các yếu tố: Thể lực, trí tuệ, cảm xúc và quan trọng hơn là ứng xử xã hội.
Mọi bố mẹ đều mong muốn con mình giỏi giang và đạt được những thành tích cao, do đó luôn đặt những cái đích cao hơn cho con. Chính sự kì vọng quá nhiều của bố mẹ đã tạo ra những áp lực nặng nề cho con cái.
Chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà tâm sự ngày nào cũng nhận được những lời tâm sự của học sinh về việc chúng phải học nhiều vào các buổi tối, đạt được điểm 10 để bố mẹ vui.
Chuyên gia Thu Hà khẳng định mỗi đứa trẻ có một điểm mạnh khác nhau. Do đó khả năng giải quyết, tiếp thu vấn đề của mỗi trẻ khác nhau. Có những trẻ tiếp thu nhanh và làm tốt các bài tập cô giáo giao, nhưng cũng có những trẻ phải mất rất nhiều thời gian mới làm xong bài tập về nhà, có khi đến 11, 12 giờ đêm.
Hiện nay luôn tồn tại một nghịch lí là những đứa trẻ học tập, phấn đấu căng hết mình chỉ vì những mong đợi của bố mẹ. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những bậc phụ huynh đứng đợi con ở cổng trường, gặp con là bố mẹ hỏi hôm nay con được mấy điểm chứ không bao giờ thấy ai hỏi con học có vui không, có chuyện gì thú vị trên lớp hay không?.
Hoặc trẻ đòi một phần thưởng nào đó cha mẹ sẽ nói nếu con được điểm 10 bố mẹ sẽ mua cho. Điều này cho thấy cha mẹ luôn chú ý vào kết quả mà chưa chú ý đến sự nỗ lực của con trẻ. Nhiều trẻ không có khả năng đạt điểm 10 nhưng rất nỗ lực nên cũng là điểm đáng chú ý để khen ngợi và động viên trẻ.
Chuyên gia Thu Hà phân tích rằng không phải những đứa trẻ học kém là đứa trẻ đáng lo mà chính những đứa trẻ học giỏi. Các em đó suốt ngày chỉ có học mà quên mất các hoạt động giao tiếp khác, cách ứng xử cuộc sống cũng thiếu đi.
Trẻ học giỏi nhưng không được trang bị kĩ năng sống sẽ gặp nhiều vấn đề trong cách biểu lộ cảm xúc, giao tiếp xã hội, dễ căng thẳng, lo lắng.
Những đứa trẻ này mới thực sự đáng báo động hơn là những đứa trẻ học bình thường nhưng hòa đồng, hoạt động nhóm tích cực. Do đó cần phải cân bằng học tập với các hoạt động ngoại khóa để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.

Đừng cướp đi tuổi thơ của trẻ
Hiện nay hầu hết trẻ tiểu học đều phải học 2 buổi/ ngày. Thời gian học chiếm hầu hết thời gian biểu của trẻ, trẻ không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa thú vị khác.

Trong khi đó, về đến nhà trẻ lại oằn lưng làm bài tập, không chỉ các bài tập có trong chương trình còn có cả các bài tập nâng cao. Mỗi tối một đứa trẻ sẽ phải làm việc thêm từ 2 đến 3 giờ nữa. Việc học của trẻ liên tiếp từ ngày này sang ngày khác.

Chuyên gia Thu Hà chia sẻ: “Đã từng có cô bé học lớp 5 khóc nức nở khi cả tuần cháu chỉ được nghỉ mỗi chiều chủ nhật. Để đến khi cháu phải thốt lên rằng thật hạnh phúc khi không phải gặp cô giáo khi cô bị ốm. Như vậy phải chăng là người lớn đã đặt quá nhiều áp lực lên trẻ nhỏ, khiến trẻ sợ hãi việc học tập. Đừng cướp đi tuổi thơ tươi đẹp của trẻ bằng một đống bài tập từ ngày này sang ngày khác.”


Trên lớp thầy cô vì thành tích của cá nhân, của cả lớp mà luôn ép học sinh phải học một cách quá sức của mình, rồi giao thật nhiều bài tập cho trẻ. Nếu chúng không hoàn thành bài tập thì quát mắng, xé vở, bắt đứng góc lớp.

Thầy cô hiện nay dường như không còn dành nhiều tâm huyết cho bài giảng, cũng có thể là do không có đủ thời gian để cho trẻ đi dã ngoại.

Chính những buổi dã ngoại như đi bảo tàng dân tộc học, Văn Miếu Quốc Tử giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… sẽ dạy cho trẻ được nhiều hơn bài giảng, bài tập khô khan, nặng nề.
Gia đình và nhà trường cần phải dành cho trẻ thời gian nghỉ ngơi, thời gian tham gia vào các trò chơi lành mạnh thú vị. Qua các trò chơi các em có thể biết được cách quan sát cuộc sống, học được cách tổ chức trò chơi, làm việc nhóm, phát biểu ý kiến của mình…

Bố mẹ và thầy cô cần gần trẻ hơn nữa để hiểu trẻ có khả năng đến đâu, lắng nghe những tâm sự của trẻ, để có những định hướng vừa sức với chúng. Cha mẹ cũng cần phải làm một tấm gương cho trẻ có thể sống tích cực hơn. Đồng thời cũng cần phải biết khen ngợi, động viên trẻ một cách đúng lúc, xứng đáng với trẻ.

Khi trẻ bị áp lực bài vở trẻ sẽ dẫn đến nghi ngờ bản thân, tự ti, không còn hứng thú với việc học tập, chán nản và thu mình, có thể dẫn đến những ý định “chán đời” của trẻ. Khi gia đình, nhà trường phát hiện ra những biểu hiện đó của trẻ cần nhanh chóng có sự can thiệp của bác sĩ tâm lí để giúp trẻ cân bằng lại tâm lí và vượt qua những khủng hoảng vì học tập đó – chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà đưa ra lời khuyên.

Nguồn: Báo GDVN

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Thư giãn!!!



Nhạc phẩm Hoang mang (Nhs Võ Hoài Phúc - Cs Hồ Quỳnh Hương - Diễn Xuất Vân Dung, Văn Hiệp)


Khuyến mãi thêm một video clip nữa nhé các bạn!

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

GỬI TAM LÃNH



 Mái trường xưa có còn lá vàng rơi
Còn náo nhiệt lũ học trò bướm trắng
Khi chiều xuống, chiều phai dần màu nắng
Còn xôn xao khói bếp bữa cơm nghèo

Mãnh sân xưa còn in dấu chân rêu
Tàn mít rợp nõn nà muôn quả chín
Mây gió ngàn xa quyến màu sim tím
Đưa hương rừng theo bước gió lang thang

Em có còn mặc màu áo hồng hoang
Tóc uốn lượn trăm đường cong lên áo
Mắt hoen lệ cứ mỗi lần hờn dỗi
Anh vui buồn bao cảm xúc không tên

Bạn có còn gối tay mình từng đêm
Nghe tuổi trẻ hao dần theo năm tháng
Vẫn mài miệt đèn khuya bên giáo án
Vun cây đời cho nở những hoa thơm

Chị có còn ôm gối chiếc cô đơn
Mắt cay khói cứ mỗi chiều mỗi sáng
Bóng tình quân và chút lòng lãng mạn
Đã xa rồi thành chuyện của ngày xưa

Anh vẫn đi về ngày nắng đêm mưa
Với vợ hiền và con thơ khó nhọc
Chim rừng ơi đừng "bắt cô trói cọc"
Mỏi lưng đèo chợp mắt giấc mơ hoang

Mái trường xưa còn nắng dọi hai hàng
Màu hoa dại lung linh ngoài cửa lớp
Tường vách đất xô nghiêng cơn gió đột
Áo học trò phơ phất những ngày đông

Con đường xưa mưa ngập nước rào chân
Còn thảng thốt buổi học chiều tan vội
Hố Ngãi, Vực Voi, Trà Sung, An Thới
Xóm làng nào lưu giữ dấu chân xưa

Đêm An Trung bàng bạc ánh sao khuya
Nhóm học vội vàng ánh đèn hạt đỗ
Chiều Thôn Bảy mây chùng nghiêng mái phố
Nắng phơi áo trắng đi về

Hai mươi năm, xa lắc một vùng quê
Bè bạn năm xưa ai còn ai mất
Chợt thấy hoang vu trăng ngàn khuya khoắc
Hẹn nhau Tam Lãnh ngày về.

Tam Kỳ, tháng 9/2012

Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Hướng dẫn tạo tài khoản Gmail

Thưa các bạn, Gmail là một chương trình của Google cung cấp miễn phí cho người sử dụng các dịch vụ như email, lưu trữ thông tin, viết nhật ký, giao lưu trực tuyến (chat), viết blog,... Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các bước tạo một tài khoản gmail để các bạn tham khảo. Có thể bạn đang chưa sẵn có một email, hoặc có một email chưa ưng ý, thì hãy cùng chúng tôi thực hành qua các giới thiệu bằng hình ảnh sau đây nhé!
   














 Bạn hãy điền đầy đủ thông tin vào bản lý lịch của mình















Nick đôi khi thể hiện phong cách, quan điểm, lối sống của mình. Bạn có thể lấy tên mình, ghép tên mình với người yêu, vợ, chọn tên con, tên loài hoa mà mình yêu thích,...

Chương trình đã gợi ý nhiều nick, nếu thích bạn có thể click vào đó. Nhưng có thể chúng ta chưa ưng ý.

Bạn phải chọn password có ít nhất 8 ký tự, dễ nhớ đối với mình, nhưng người khác không đoán ra. Tránh các dãy số liên tiếp, năm sinh, tên mình,...Bạn nhớ gõ hai lần giống nhau theo yêu cầu của chương trình. Bạn có thể phải lưu password lại vì rất dễ quên.















Việc chọn câu hỏi cũng khá quan trọng. Sau này, có thể bạn quên mất password, khi đó bạn cần nó lắm đó.














Vậy là chúng ta đã tạo ra được một email trên Gmail rồi đó. Nào, chúng ta sẽ bắt đầu soạn thư và gửi cho ai đó. Tại sao bạn lại không gửi cho tôi nhỉ, cũng có thể lắm chứ! dhungtung@gmail.com. Woa woa woa!!!















Có một địa chỉ email, các bạn sẽ có thể gửi thư cho bạn bè mình một cách nhanh chóng, miễn phí, và còn làm được nhiều việc nữa lắm dó. Từ nay, khi ngồi vào online, bạn sẽ mở ngay email của mình ra, xem thử có ai nhắn nhe, gửi gắm mình điều gì không. Các bạn sẽ thấy mình sống gần mọi người, bèn bạn hơn đó. Chúc các các bạn một ngày làm việc hiệu quả, vui vẻ. Xin chào và hẹn gặp lại!

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Chào mừng tác giả mới

Ký ức Tam Lãnh xin nhiệt liệt chào mừng các tác giả mới của Blog gồm:
Bùi Tình với bút danh hathuong; Nguyễn Văn Minh với bút danh minh, Lê Minh Hòa với bút danh lê minh hòa. Chúng tôi đã thống nhất cấp Đặc quyền quản trị cho tất cả các tác giả để anh chị và các bạn có được tất  cả các quyền: đăng tải , chỉnh sửa, thay đổi để blog ngày một thịnh vượng hơn.
Chúng tôi hy vọng rằng với sự tham gia của các tác giả mới, Ký ức Tam Lãnh sẽ phong phú, đa dạng hơn về tin tức, thể loại, nội dung ngày càng gần gũi với đời sống tinh thần của mỗi chúng ta.
Để tham gia làm tác giả của Ký ức Tam Lãnh, yêu cầu đầu tiên là các anh chị phải có một tài khoản Gmail (Tác giả Hưng Tùng sẽ có bài hướng dẫn tạo tài khoản trên Gmail), sau đó gửi địa chỉ Gmail đến ban quản trị (các bạn có thể gửi địa chỉ Gmail bằng cách comment vào bất kỳ bài viết nào hoặc gửi trực tiếp đến email: anhdungtr@gmail.com của bạn Anh Dũng) rồi sau đó thực hiện các bước tiếp theo như đã hướng dẫn (đọc ở đây)
Chúc các bạn thành công! Chúc các bạn một ngày làm việc thật hứng khởi và thắng lợi!
Chào thân ái!

Nếu không thật bận rộn, mời các bạn nghe một vài bài hát nhé!
Bài ca người giáo viên nhân dân - Nhạc và lời Hoàng Vân


Yêu người bào nhiêu yêu nghề bấy nhiêu - Nhạc và lời Nguyễn Văn Quỳ


Người thầy - Nhạc và lời Nguyễn Nhất Huy

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Bài hát: Nhánh lan rừng

Mời các bạn cùng nghe bài hát Nhánh lan rừng - Nhạc và lời: Thế Hiễn - Ca sĩ trình bày Quang Dũng
Bài hát này nhớ khi xưa anh em giáo viên tập thể hay hát. Thậm chí có lúc anh Quý còn mời anh em lên hát trên đài truyền thanh xã nữa đó.

Khuyến mãi thêm bài này nghe cũng được:

Đây là bài ai cũng biết: Trường làng tui - Nhạc và lời: Phạm Trọng Cầu - Trình bày: Nhóm Tam ca áo trắng.

Cũng bài hát "trường là tui" này nhưng có vẻ lứa nhỏ này hát nghe hay hơn, các bạn nhỉ!?

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Hướng dẫn làm tác giả blog và tham gia viết bài

Thưa các anh chị và các bạn!
Tôi là Hưng Tùng đây. Rất vui khi chúng ta đã có được một trang blog dành cho giáo viên Tam Lãnh làm sân chơi chung cho tất cả mọi người.
Theo đề nghị của bạn Trần Anh Dũng, tôi sẽ chép lại toàn bộ các bước đăng nhập làm tác giả blog Ký ức Tam Lãnh và tham gia viết bài như thế nào.
Chúng ta bắt đầu ngay nhé!
Khi bạn đã được mời làm tác giả blog Ký ức Tam Lãnh, lúc mở Gmail bạn sẽ có ngay thư đến thế này:
Sau khi mởi thư ra, bạn sẽ làm tiếp thế này:
Tôi đã ký chú vào mỗi bức hình, các bạn cứ theo đó mà làm.
Sau đó bạn gõ địa chỉ email, password của mình vào cửa sổ kế tiếp thì:
Tiếp tục, bạn chọn bút danh của mình trong blog này:
Tôi vừa lấy bút danh Hưng Tùng đó, các bạn tề:
Bạn bắt đầu làm tác giả Ký ức Tam Lãnh's blog bằng bài viết đầu tiên:

Gõ xong nội dung bạn cho xuất  bản bài viết bàng cách click vào nút "xuất bản" ở trên đầu trang và cảm nhận được một lời cảm ơn của tất cả mọi người. 
Những lần sau, khi vào blog, muốn viết bài, bạn chỉ việc đăng nhập rồi chọn vào chỗ "bài đăng mới" ngay trên giao diện ký ức Tam Lãnh  là được ngay mà.

Nào, bạn hãy bắt đầu đi! Chúc  thành công nhé!


Thay cho lời nói đầu

Tôi vừa xong một tiết dạy thì Tình gọi:
- Mày biết gì chưa?
- Có chuyện gì rồi à?
- Ừa, ba của anh chị Nghĩa - Nhung mất rồi. Ông cụ Soạn ý!
- Vậy à? Hôm nay và sáng mai tôi có tiết rồi. Ông có  thể sắp xếp chiều mai đi viếng được không?
- Được.
- Ông chịu trách nhiệm thông báo anh em nha!
- Ok, khoảng 10 giờ sáng mai nhé!
Đúng 10 giờ sáng hôm sau, tôi đến đón Trực rồi dong lên nhà Tình. Hải và Lợi đang đợi. Vợ chồng nó chuẩn bị một bữa mì Quảng tôm thịt thật ngon, đặc biệt nhất là khoản rau sống, cải non tươi khay, trộn với bắt chuối mát ruột mát lòng. Mười một rưỡi, năm thằng ba xe nhắm hướng Tam Lãnh "đáo mã".
Đường lên Tam Lãnh dạo này đi sướng thật. Đường nhựa láng bóng, xe chạy bon bon không như ngày xưa, còng lưng niết xe đạp tránh ổ trâu, ổ chó ê người. Thằng Minh Hải đã 20 năm chưa lên lại, giờ được đi đường lòng hồ man mát gió xuân mắt cứ láo la láo líu, thấy mà tội nghiệp.
Vẫn là nước non xưa nhưng giờ đổi khác quá trời, chỉ non tiếng đồng hồ cả bọn đã đến nơi.
Anh Nghĩa - chị Nhung là giáo viên cũ của trường phổ thông cơ sở Tam Lãnh. Thân phụ anh tuổi đã gần chín mươi nên chuyện đi - ở là chuyện "hợp mệnh đất trời". Buồn chuyện phân ly nhưng cũng mừng cho cụ đã ra đi an nhiên, thanh thản vì thế chuyện tang chế không quá sức lòng người. Chúng tôi thắp nén hương cầu mong linh hồn cụ nhẹ nhàng siêu thoát sớm phiêu diêu vào cõi tiên bồng.
Lúc đi thì bảo sẽ về ngay nhưng khi thắp nhang xong, qua câu chuyện chúng tôi đều muốn cùng ghé vào thăm và vấn an thầy Bá Đức. Lại thêm một niềm vui, thầy vẫn khỏe, sảng khoái, yêu đời. Gặp chúng tôi, thầy vui lắm, ôm chầm lấy từng người. Thầy và chị Cúc đã về hưu, sống đạm bạc bên ruộng rẫy, điền viên.
Tình bảo:
- Tụi em lên chơi, thấy anh chị đều khỏe và vui thế này là mừng lắm!
Rồi nó nháy mắt sang tôi, ranh mảnh hỏi:
- Này hỏi thiệt anh, tuổi tác thế này thì dạo này có còn "làm ăn" gì được nữa hay không?
- Thì còn một đám ruộng, mình cũng cày xới thường xuyên nhưng không tính chuyện thu hoạch gì đâu mấy anh à!
Cả bọn cười ồ.
- Ừa, thì tuổi anh giờ mà còn thu hoạch làm gì nữa.
Chợt nghĩ ra, biết mình bị tụi nhỏ chọc khía, thầy mới đỏ mặt mác giọng:
- Mấy đứa này thật là...
Cả nhà lại rân ran kể lại chuyện xưa. Chuyện Tùng xèng và ông bà Bá Tước với bảy thứ tiếng ngoại ngữ nhi nhô, Chuyện Trực Ké và cô bé B.H cùng vụ án giả trọn lẫn nước mắt và nụ cười, chuyện Ung Nho Đáo với những thế võ Thần Quyền buộc anh chàng câm - người gác cổng của tuồng hát năm xưa phải ngạch ngón cái tru trơ tái mặt gật đầu thán phục. Chúng tôi như sống lại những năm tháng xanh xưa nghèo nàn và êm ái, khó nhọc và vui tươi, đói khổ và ân tình.
Chúng tôi chào vợ chồng thầy, tính sẽ về ngay. Nhưng ngang qua cổng trường xưa lẽ nào không dừng lại. Ghé vào nhà Hai - Thúy, rồi kéo lên thăm trường gặp Hùng - Hiệu trưởng. Khi xuống lại thì tiểu tiệc đã được bày ra.
Ban đầu có thêm Hiệu trưởng Minh, rồi anh Sỹ, lại Thúy Nga và Hòa đến. Cả bọn lại rân ran trò chuyện quên cả giờ về.
"Vui quá hóa khôn"! Cả bọn tính ngày họp mặt rồi bầu chọn Ban chấp hành lâm thời hội giáo viên Tam Lãnh.
Ai cũng nhao nhao đề cữ Bùi Tình làm chủ tịch. Rồi ai cũng nhao nhao chọn Minh, chọn Hùng làm phó. Vậy là loáng một cái, BCH lâm thời đã nhanh chóng được thành lập.
Cuối cùng, ngay trong bài viết này, chúng tôi xin trân trọng thông báo:
Ban chấp hành lâm thời hội giáo viên Tam Lãnh gồm có:
Chủ Tịch: Thầy giáo Bùi Tình - Hiện là Phó chủ tịch công đoàn thành phố Tam Kỳ.
Phó chủ tịch:
- Thầy giáo Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quốc Toản - Phú Ninh.
- Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An - Phú Ninh.
Ủy viên:
- Phụ trách công tác tổ chức và kế hoạch: Thầy giáo Nguyễn Lợi - Phó hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ.
- Phụ trách công tách văn hóa, văn nghệ: Thầy giáo Ngô Minh Hải - Giáo viên trường THCS Chu Văn An - Tam Kỳ.
- Phụ trách công tác báo chí, truyền thông: Thầy giáo Trần Anh Dũng - Giảng viên trường Đại học Quảng Nam.
Nhiệm vụ trước mắt của BCH lâm thời là:
1. Lập danh bạ giáo viên Tam Lãnh (tên, địa chỉ, đơn vị công tác, số điện thoại)
2. Lập blog khuyếch trương hoạt động của hội giáo viên Tam Lãnh.
3. Lên kế hoạch chuẩn bị họp mặt hội.
Nay thông báo và kính mời giáo viên đã và đang giảng dạy, công tác tại Tam Lãnh tham gia góp ý và cổ xúy xây dựng blog để hoạt động hội ngày một phát triển.
Nay trân trọng!